Về am tri kiến

http://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/53841


hánh Đăng Ngữ Lục cho biết có am Tri Kiến trước ngày Thượng hoàng Trần Nhân Tông vân du đến phía Bắc xứ Thuận Hóa (tức Quảng Bình ngày nay) vào năm 1301.
Hơn một năm sau khi xuất gia, tháng 3 năm Tân Sửu, niên hiệu Hưng Long thứ 9 (1301), Thượng hoàng Trần Nhân Tông đi chơi các địa phương, sang Chiêm Thành và đến tháng 11 năm ấy Ngài trở về như Đại Việt Sử Ký Toàn Thư đã chép. Sự kiện này hoàn toàn khớp với Thánh Đăng Ngữ Lục và Tam Tổ Thực Lục đã ghi: “Sau ở chùa Phổ Minh của phủ Thiên Trường, Thượng hoàng mời đến các danh tăng, mở lớn các trường giảng, trải mấy năm bèn vân du phương ngoại, đến trại Bố Chính, chọn am Tri Kiến để ở”.

 

Sách Tam Tổ Thực Lục cũng viết như trên, chỉ khác một tiểu tiết thay từ “chọn” bằng từ “lập” trong nhóm từ chọn am Tri Kiến. Sách Ô Châu Cận Lục đã nhắc đến địa danh Tri Kiến 2 lần, lần một ở quyển 3, trang 49, “Tri Kiến lắm đàn bà góa”, lần thứ hai ở trang 58 “Tri Kiến xưa nơi đặt huyện, Tả Bình nay tức Phủ Bình”. Cả hai chi tiết ấy đều trích từ tựa đề “Tổng luận về phong tục” của sách đã dẫn đều hàm ý chỉ Tri Kiến là thôn, trang.
Theo bản gốc chữ Hán của sách Ô Châu Cận Lục thì danh xưng Tri Kiến lại viết hai dạng thức khác nhau:
1. 知建 (Tri Kiến; Kiến () nghĩa là dựng, lập, như trong nguyên văn: 知建多孀婦 (Tri Kiến đa sương phụ), trang 38b. Ở đây, có nét lưu ý là “sách Ô Châu Cận Lục do Bùi Lương dịch, NXB Văn hóa Á Châu, Sài Gòn, 1961” lại không ghi tình tiết đã dẫn ở phần dịch.
2. 知見 (đồng âm với Tri Kiến như đã dẫn bên trên). Kiến () là thấy. Tri Kiến là thuật ngữ nhà Phật như trong thuật ngữ Chánh tri kiến, một chi của Bát chánh đạo.
Thế mà bản Ô Châu Cận Lục, mang ký hiệu A.263 của thư viện Hán Nôm (3) lại có sửa chữ 知建 thành 知見. Chỉ sửa chữ Kiến ra nghĩa “xây dựng” (kiến thiết) bằng nét mờ nhỏ ở phía bên phải (tr. 45a).
Xét về việc sửa chữa này, người viết tỏ ý đồng tình với quan điểm của lời giới thiệu sách (từ tr. 1-8) của các dịch giả ở Viện Hán Nôm:“Điều này không thống nhất với cách làm thận trọng, khoa học hơn của Nguyễn Hàm Chuẩn thể hiện qua phần “khảo chính biên” là giữ nguyên chính văn đưa dị văn vào một phần riêng kèm theo ở cuối, chứng tỏ chúng không phải những khảo chính của Nguyễn Hàm Chuẩn.
Nguyên văn câu có dụng ý dùng thuật ngữ Tri Kiến (知見) của sách Ô Châu Cận Lục, mà ai đó đã sửa chữ Kiến () ra chữ ở bên cạnh như sau: 知見古之縣建, 左平今即府平 (Tri Kiến cổ chi huyện Kiến, Tả Bình kim tức phủ Bình).
Dương Văn An viết bài Tổng luận về phong tục của xứ Thuận Hóa theo thể loại phú, đó là văn tự sự mang tính cách chính luận của văn học cổ điển mà cấu trúc của ngữ văn, ngữ điệu theo lối tiểu đối, mạch văn gối hạc dựa vào lối văn biền ngẫu của tả văn.
Sách Ô Châu Cận Lục đã dẫn bên trên dịch câu chữ ấy là: “Tri Kiến xưa nơi đặt huyện, Tả Bình nay tức phủ Bình”.
Thiền sư Lê Mạnh Thát: “Tri Kiến là nơi dựng của huyện xưa”; trong sách Toàn Tập Trần Nhân Tông, tác giả khẳng định: “Cho nên, am Tri Kiến là ngôi chùa của lỵ sở Tri Kiến của Bố Chính” và lại chú thích: “Câu này có thể dịch: “Tri Kiến là huyện Kiến xưa. Kiến do thế có thể là một tên gọi địa phương của Tri Kiến”.
1- Tên của am Tri Kiến, thuật ngữ này có nghĩa là sự hiểu biết. 
Điều Ngự Giác Hoàng đã chỉ dạy cho đời sau biết rõ am Tri Kiến là cửa ngõ phía Nam đi tìm đường mở nước và dựng nước không tốn một giọt máu đào.
Hai châu Ô Lý vuông ngàn dặm,
Một gái Huyền Trân của mấy mươi
(Thai Xuyên)
Phên giậu Thuận Hóa sau này là bàn đạp để cho các vương triều đời sau mở rộng giang sơn đất nước đến tận đất mũi Cà Mau.
Việc chọn am Tri Kiến cách phủ lỵ Lâm Bình trên 20km mà không chọn lỵ sở của châu Bố Chính “làm nơi ở” trước khi đi thăm đất Chiêm Thành chỉ vì Thượng hoàng đã xuất gia trở thànhThiền sư hoặc Sơn tăng, chưa bao giờ Ngài nhận mình là vua Phật, là Điều Ngự Giác Hoàng. Kế sách mang theo đi du thuyết vua Chiêm đã được chuẩn đi chuẩn lại trong những ngày Ngài ở am Tri Kiến.
2- Tên một địa danh của huyện Tri Kiến ngày xưa mà năm 1301 còn hiện hữu và được nhắc lại trong sách Ô Châu Cận Lục ra đời năm 1555. Ở thời điểm này huyện Tri Kiến không còn nữa về cơ cấu tổ chức hành chính. Thế thì huyện Tri Kiến đã trở thành huyện cũ (Tri Kiến cổ) như Ts. Lê Mạnh Thát đã dịch là “huyện xưa”.
Địa danh Bố Chính có từ năm 1069 của nước Đại Việt và lại được ghi trong bản đồ của Lý Thường Kiệt vẽ năm 1075, vua Lý Nhân Tông đổi châu Đại Lý làm châu Lâm Bình, châu Ma Linh làm châu Minh Linh, còn châu Bố Chính thì giữ nguyên tên gọi từ thuở ban đầu. Địa danh Bố Chính đã được Thánh Đăng Ngữ Lục nhắc đến và gọi là trại Bố Chính.  Trước khi châu Bố Chính trở thành một phần lãnh thổ của nước Đại Việt (tức miền đất phía Bắc của tỉnh Quảng Bình ngày nay), Bố Chính là đơn vị hành chính mà người Chiêm Thành được gọi là trại, giống như trại Hoan, trại Ái hoặc trại trạng nguyên. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, sđd, tr. 262 đã chú thích: Miền đất Quảng Bình bấy giờ cũng gọi là trại Bố Chính. Trại là miền đất, vùng đất chưa được khai hóa ngang bằng so với các lộ. Tháng 12 năm Canh Tuất, niên hiệu Thuận Thiên 1 (1010), nhà vua đổi 10 đạo làm 24 lộ. Năm sau, Tân Hợi (1011), vua Lý Thái Tổ sai Thái tử Phật Mã làm Nguyên soái đi đánh Chiêm Thành ở trại Bố Chính*.
Lộ không những là đơn vị quân đội mà còn là khu vực hành chính. Trại cũng thế, đều hàm nghĩa theo phạm trù hành chính – quân đội: Tịnh vi dân, động vị quân ở miền biên viễn. Trại ở đây không hẳn là doanh trại, lộ không phải là trang trại, tách biệt trang trại ra hai từ đơn lẻ thì đó là đơn vị cấp hành chánh cơ sở ngang bằng thôn, phường ở miền bán sơn địa, hoặc trên sông nước lênh đênh của những phường chài hạ bạn…
Thời Minh thuộc, năm Nhâm Ngọ (1402), giặc Ngô đổi châu Bố Chính (nguyên là trại Bố Chính trước năm 1609) thành châu Chính Bình thuộc phủ Tân Bình. Châu Chính Bình cai quản 3 huyện Chính Hòa, Cổ Đặng và Tùng Chất. Thời Minh thuộc đã đổi châu Địa Lý thành châu Lâm Bình gồm 3 huyện Phúc Khang, Nha Nghi và Tri Kiến, châu Minh Linh thành châu Nam Linh gồm 3 huyện Tả Bình, Đơn Duệ và Dạ Độ . Ấn tích về tên gọi 9 huyện này còn để lại đậm nét trong sách Ô Châu Cận Lục. Người đọc dễ dàng thấy được 7/9 địa danh, ngoại trừ 2 địa danh Chính Hòa và Cổ Đặng có nghi vấn nằm ở bên kia ranh giới tỉnh Quảng Bình đã tìm ra địa danh Cổ Đặng trên đất tỉnh Hà Tĩnh ngày nay mà nguyên xưa thuộc đất Châu Hoan tức Nghệ An sau này. Chính huyện mới vào thời điểm năm 1419 hợp thành 3 châu lấy tên mới phủ Lâm Bình. Không rõ theo hệ thống hành chính mới của quân xâm lược nhà Minh nâng Lâm Bình thành phủ hồi nào. Quốc sử đã không thể tra cứu cặn kẽ vì thời chinh chiến ấy sử liệu thất tán, theo gót quân Ngô tàn bạo xâm lược Đại Việt.

Năm Kỷ Hợi, 1419 lại đem huyện Dạ Độ sáp nhập vào huyện Tả Bình. Vì thế mà phủ lỵ của phủ Tân Bình đóng trên địa phận huyện Tả Bình như sách Ô Châu Cận Lục đã viết “Tả Bình kim tức phủ Bình” (Đất huyện Tả Bình nay thuộc phủ Tân Bình). Huyện Tri Kiến thuộc châu Lâm Bình được nhập vào huyện Nha Nghi; và huyện Phúc Khang cũng nhập vào huyện Nha Nghi. Vì vậy năm 1553, tác giả sách Ô Châu Cận Lục viết để hai năm sau ấn hành, đã gọi huyện Tri Kiến là: “Tri Kiến cổ chi huyện Kiến” (danh xưng Tri Kiến xưa là nơi huyện Tri Kiến đặt huyện lỵ). Vào thời điểm năm 1553 thì huyện Tri Kiến đã bị xóa sổ bằng cách nhập vào huyện Nha Nghi năm 1469 đã là 151 năm tính ra ngày huyện Tri Kiến nhập vào huyện Nha Nghi cách đây đã là 539 năm!
Nói rút lại thì vế câu: “Tri Kiến cổ chi huyện Kiến, Tả Bình kim tức phủ Bình” (知見古之縣建,左平今即府平) được diễn nghĩa lý cho rõ ràng như sau: “Danh xưng Tri Kiến xưa là nơi huyện Tri Kiến đặt huyện lỵ, đất cũ huyện Tả Bình nay thuộc phủ Tân Bình”. Đây là một danh xưng địa lý hành chính.
Tri Kiến là tên riêng của am Tri Kiến, tên huyện, tên thôn, phường, trang (không phải làng tức xã dưới triều Trần và Lê) cho nên không thấy ghi ở quyển 3 của sách Ô Châu Cận Lục ở mục bản đồ ghi tên làng xã của hai huyện Lệ Thủy và Phúc Khang mà năm 1419 đã nhập chung lại thành huyện Nha Nghi tức huyện Lệ Thủy và Kiến Lộc (về sau là Khang Lộc) dưới triều Lê (năm 1469) tức châu Địa Lý (năm 1069): quả thực là “Châu về hợp phố”.
Am Tri Kiến tọa lạc trên đất thôn (phường, trang, giáp, hương…) Tri Kiến thuộc huyện Tri Kiến mà huyện này đã trở thành đất của huyện Nha Nghi. Ở thời điểm sách Ô Châu Cận Lục ra đời thì huyện Kiến không còn nữa. Như vậy, Tri Kiến là một địa danh và đồng thời ở thời điểm đó, tại huyện Tri Kiến người ta đã có xây một cái am, một ngôi chùa, và theo cách gọi của dân gian, người ta gọi luôn là am Tri Kiến.
Huyện Lệ Thủy có từ năm 1469 là do hai huyện Nha Nghi và Tri Kiến (có từ năm 1419), nơi có sông Kiến Giang chảy qua, lỵ sở của huyện ở xã Cổ Liễu.
Đào Duy Anh tác giả sách Việt Nam qua các triều đại lịch sử cho biết am Tri Kiến ở huyện lỵ Lệ Thủy ngày nay. Huyện Lệ Thủy ngày trước có chùa Cổ Kính Thiên do chúa Tiên Nguyễn Hoàng trùng kiến trên vị trí chùa cổ cùng tên vào năm Kỷ Dậu, 1609 thuộc phường Thuận Trạch (thuộc huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, năm Minh Mạng thứ 7 đổi là chùa Hoằng Phúc, sau các chùa Thiên Mụ năm (1601), Sùng Hóa (năm 1607 ở Trà Kiệu Quảng Nam).
Chùa Kính Thiên ở gần Trạm Bình Giang có trước năm 1553 khớp đúng với lời ghi của sách Đại Nam Nhất Thống Chí, tỉnh Quảng Bình: “Sông Bình Giang: ở cách huyện lỵ chừng 1 dặm về phía Tây, tục gọi là sông Trạm tức trạm Bình Giang xưa…”
Tháng 2 năm 2007, Phật lịch 2550, Tạp chí Văn hóa Phật giáo số 27 ra ngày 15/2/2007 có bài viết “Chùa Hoằng Phúc, ngôi chùa cổ còn lại trên đất Quảng Bình” của Nguyễn Ngọc Trai, từ tr.14 đến 16 đã khẳng định rõ ràng địa chỉ của ngôi chùa cổ Kính Thiên tức Hoằng Phúc ngày nay: “Có lẽ ít ai biết rằng, tại khu dân cư Mỹ Thủy, cách trung tâm huyện Lệ Thủy 4km, cách quốc lộ 1A 3km, từ chợ Mai đi vào, hiện còn lưu dấu một ngôi chùa cổ: chùa Hoằng Phúc, một trong số ít chùa cổ của vùng đất Thuận Hóa xưa…”
Tưởng niệm vua Trần Nhân Tông nhân ngày húy kỵ thứ 700, đồng thời kỷ niệm 707 năm ghi dấu ngày Thượng hoàng vân du đất Chiêm Thành với tư cách là bậc Thiền Sư, đàm đạo với vua Chiêm là Chế Mân trong tình giao hảo tốt lành để cùng chung lo việc giữ nước và hoằng hóa độ sanh. Ngài đã đến châu Bố Chính phía Bắc tỉnh Quảng Bình ngày nay rồi chọn am Tri Kiến ở châu Địa lý, nơi danh lam thắng địa của xứ Thuận Hóa để ở trước khi vào thành Đồ Bàn của nước bạn láng giềng thân thiện.
Từ mốc thời gian lịch sử ấy, thì phước địa Tri Kiến thuộc huyện Tri Kiến xưa ấy, mà nay đã 707 năm rồi. Điều đó, đã nói lên giá trị lịch sử của huyện Tri Kiến, am Tri Kiến, nơi Thượng hoàng Trần Nhân Tông là Điều Ngự Giác Hoàng đã xuất phát du hòa phương nam lập nên một thế “hợp tung” để sau này góp phần chống lại ý đồ xâm lược của Nguyên Mông sau khi chúng đã thất bại tả tơi ba lần đối đầu với quân dân nước Đại Việt dưới thời các vua Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông.
Bài viết này chỉ gợi mở làm lóe sáng lên hình ảnh cảnh quang sáng rạng của một am Tri Kiến mà người dân phủ Tân Bình, xứ Thuận Hóa trong quá khứ đã xem đây là một di tích lịch sử gắn liền với niềm tự hào trong quá trình mở nước của dân tộc ta. Chúng tôi đã và đang gia công tìm hiểu để bổ sung vào lịch sử Phật giáo Việt Nam và cũng là lịch sử Phật giáo xứ Thuận Hóa.         

Nhận xét