Thư viện số với vấn đề bản quyền

http://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/23754


          Xây dựng thư viện số hiện nay không chỉ là nhu cầu mà còn là xu hướng tất yếu của các thư viện. Với khả năng lưu trữ thông tin dường như vô hạn, tác động nhanh, mạnh tới mọi người dùng ở mọi lúc, mọi nơi, vấn đề xây dựng thư viện số ở Việt Nam đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, sự ràng buộc với luật quyền tác giả (bản quyền) khiến các thư viện ở Việt Nam đứng trước những thách thức không nhỏ trong quá trình xây dựng và vận hành thư viện số. Bài viết đề cập tới mối quan hệ giữa sự hình thành thư viện số và những quy định của pháp luật về bản quyền hiện nay, trên cơ sở đó tìm kiếm các giải pháp cho việc xây dựng và phát triển thư viện số. 


THƯ VIỆN SỐ VÀ XÂY DỰNG BỘ SƯU TẬP SỐ
Khái niệm thư viện số hiện nay không còn quá mới ở Việt Nam tuy nhiên khái niệm này tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau:
- Thư viện số /thư viện điện tử là loại hình thư viện đã tin học hóa toàn bộ hoặc một số dịch vụ thư viện, là nơi người sử dụng có thể tới tra cứu và sử dụng các dịch vụ thường làm như với một thư viện truyền thống nhưng đã được tin học hóa. Nguồn lực của thư viện số theo cách hiểu này bao gồm tài liệu giấy và tài liệu số hóa.
- Thư viện số là thư viện điện tử cao cấp trong đó toàn bộ tài liệu đã được số hóa và quản lý bằng một phần  mềm chuyên nghiệp giúp người sử dụng dễ dàng truy cập, tìm kiếm, xem nội dung toàn văn từ xa thông qua hệ thống mạng thông tin và các phương tiện truyền thông. Một thư viện số hoàn chỉnh phải thực hiện được tất cả các dịch vụ cơ bản của thư viện truyền thống kết hợp với việc ứng dụng các lợi thế của công nghệ thông tin trong việc lưu trữ, tìm và phổ biến nội dung thông tin.
-  Thư viện số là tập hợp của các thiết bị tính toán, lưu trữ và truyền thông số với nội dung và phần mềm để tái tạo, thúc đẩy và mở rộng các dịch vụ của thư viện truyền thống.
- Thư viện số là môi trường  tập hợp các bộ sưu tập số, dịch vụ và con người để hỗ trợ cho chu trình hoàn chỉnh của việc sang tạo, phổ biến sử dụng và bảo quản dữ liệu, thông tin và tri thức. Thư viện số có hàm ý về một môi trường mạng cung cấp nôi dung.
- Thư viện số được xem như là các hệ thống cung cấp cho cộng đồng người sử dụng cách tiếp cận logic tới một kho tin và tri thức lớn, có tổ chức.
- Thư viện số là môi trường tập hợp các bộ sưu tập theo chủ đề (bộ sưu tập số được hiểu là tập hợp có tổ chức nhiều tài liệu đã được số hóa dưới nhiều hình thức khác nhau như văn bản, hình ảnh, audio, video….về một chủ đề. Mỗi loại hình tài liệu trong bộ sưu tập số có sự khác nhau về cách thể hiện nhưng có giao diện đồng nhất). Nguồn thông tin của thư viện số có thể nằm ngay trong thư viện hoặc bên ngoài thư viện. 

 

Tuy có nhiều ý kiến khác nhau về thư viện số, song có thể nhận dạng thư viện số qua những đặc điểm sau:
(1)           Vốn tài liệu được số hóa
(2)           Sử dụng phần mềm quản lý và khai thác tài liệu số
(3)            Cung cấp các dịch vụ thư viện hiện đại ở mọi lúc, mọi nơi
Ưu điểm của thư viện số so với thư viện truyền thống là bổ sung vào sưu tập nhanh hơn, kiểm soát chất lượng tốt hơn, chức năng tìm kiếm được cải thiện đáng kể, truy nhập nhanh hơn tới thông tin tìm được, người sử dụng “tự do hơn”, chủ động hơn trong việc tìm kiếm và thu thập thông tin ơt mọi lúc, mọi nơi.
Từ các  khái niệm về thư viện số kể trên có thể thấy một trong những yếu tố cơ bản của thư viện số là các bộ sưu tập số (có tài liệu sử dụng là tổ hợp cơ sở dữ liệu) bên cạnh các yếu tố khác như cấu trúc, hạ tầng kỹ thuật, bảo quản khai thác…Vấn đề trọng tâm trong xây dựng thư viện số đó là tạo lập và phát triển các bộ sưu tập số đặc biệt là các bộ sưu tập “nội sinh” trên cơ sở số hóa tài liệu của chính cơ quan thông tin thư viện. Hiện nay để xây dựng các bộ sưu tập số các thư viện thường tiến hành theo các cách sau:
-  Tự số hóa nguồn tài liệu giấy của thư viện. Tức là chuyển tài liệu hiện có sang dạng sốbằng phương pháp quét hoặc nhập thông tin.
- Bổ sung nguồn tin điện tử thông qua việc mua, trao đổi tài liệu điện tử đang được xuất bản hoặc lưu hành.
-  Xây dựng các liên kết (tạo khả năng truy cập)  đến các nguồn tài liệu trên Internet đặc biệt là nguồn của các cơ quan có cùng diện chuyên đề bao quát.

Mỗi phương pháp tạo lập bộ sưu tập số đều có ưu và nhược điểm riêng tuy nhiên vấn đề khiến những nhà quản lý hiện nay quan tâm trong việc tạo lập bộ sưu tập số không phải là cách thức, phương pháp tạo lập mà là giải pháp để việc thu thập, tạo lập, khai thác các bộ sưu tập số không bị vi phạm luật quyền tác giả.
MỘT SỐ VĂN BẢN PHÁP LUẬT VỀ BẢN QUYỀN LIÊN QUAN TỚI HOẠT ĐỘNG THƯ VIỆN
Bản quyền(quyền tác giả, tác quyền, copyright) là một thuật ngữ pháp lý mô tả quyền lợi tinh thần và quyền kinh tế của tác giả đối với  tác phẩm do mình sáng tạo ra và người sở hữu tác phẩm. Hệ thống pháp luật về bản quyền hiện nay có thể chia thành các loại sau:
- Các công ước quốc tế về bản quyền và quyền liên quan mà Việt Nam là thành viên
-  Các hiệp định (đa phương và song phương) mà Việt Nam tham gia ký kết
-  Hệ thống văn bản pháp luật về bản quyền (bao gồm luật, nghị định, thông tư…).
Về các công ước quốc tế về bản quyền và quyền liên quan hiện nay Việt Nam tham gia có thể kể tới công ước Berne (tên gọi tắt của công ước về bảo hộ các tác phẩm khoa học, văn học, nghệ thuật).Trong công ước có 3 nguyên tắc được đưa ra là nguyên tắc đối xử quốc gia, nguyên tắc bảo hộ tự động và nguyên tắc bảo hộ độc lập. Đối tượng bảo hộ trong công ước là các tác phẩm khoa học, văn học nghệ thuật (là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, khoa học, nghệ thuật) được biểu diễn dưới bất kỳ hình thức nào, theo bất kỳ phương thức nào,có thể là sách, tập in nhỏ, các ấn phẩm khác, các bài giảng, các bài phát biểu, bài thuyết trình và các tác phẩm cùng loại, kịch bản, nhạc kịch, các tác phẩm hoạt cảnh, kịch câm, các bản nhạc có lời hoặc không lời, các tác phẩm điện ảnh và các tác phẩm được diễn tả bằng phương pháp tương tự điện ảnh, tác phẩm hội họa, kiến trúc, chạm trổ điêu khắc, tranh khắc bản, ảnh và các tác phẩm được thể hiện bằng phương pháp tương tự như nhiếp ảnh, tác phẩm nghệ thuật ứng dụng, các tác phẩm minh họa, địa đồ, bản vè thiết kế, bản phác họa và các tác phẩm ba chiều liên quan đến địa lý, địa hình, kiến trúc và khoa học. Đối tượng bảo hộ công ước quy định còn bao gồm các tác phẩm dịch thuật, cải biên, phóng tác, cải biên âm nhạc và các hình thức chuyển thể khác từ một tác phẩm văn học hoặc tác phẩm nghệ thuật cũng được bảo hộ như các tác phẩm gốc và không được làm phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm gốc. Thời gian bảo hộ đối với các tác phẩm này được tính theo hai cách: theo vòng đời tác giả : áp dụng đối với các tác phẩm có tác giả cá nhân hoặc đồng tác giả là 50 năm sau khi tác giả/ tác giả cuối cùng của đồng tác giả mất và theo thời điểm công bố : áp dụng đối với tác phẩm không xác định tác giả cụ thể như: tác giả tập thể, tác phẩm khuyết danh, sử dụng bút danh, tác phẩm di cảo,... là 50 năm kể ừ khi tác phẩm được phổ biến tới công chúng. Các quyền được bảo hộ trong công ước Berne có thể kể đến như: quyền tinh thần, quyền dịch thuật, quyền về sao chép, quyền biểu diễn, quyền phát sóng, truyền thông, quyền làm tác phẩm phái sinh....
Về hiệp định, có thể kể đến hiệp định TRIPs được ký kết ngày 15 tháng 12 năm 1993 có giá trị ràng buộc đối với tất cả các thành viên của WTO. Trong hiệp định có đề cập chi tiết đến các quyền sở hữu trí tuệ khác nhau và cách thức bảo hộ.phần quyền tác giả có quy định các thành viên của WTO phải tuân thủ công ước Berne từ điều 1 đến điều 21 và phụ lục kèm theo. Các tác phẩm được bảo hộ 50 năm sau khi tác giả mất.Trong hiệp định cũng có những điều khoản nhằm thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở những quốc gia tham gia ký kết.
Về hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ ở Việt Nam có thể kể đến là Luật Sở hữu trí tuệ 2005. Luật được Quốc hội nước ta thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2005 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2006 gồm 6 phần, 18 chương và 222 điều. trong đó phần thứ hai: quyền tác giả và quyền liên quan quy định về điều kiện bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, nội dung, giới hạn quyền, thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan, chuyển giao quyền tác giả và quyền liên quan, chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, tổ chức đại diện, tư vấn, dịch vụ quyền tác giả và quyền liên quan. Về nghị định có thể kể đến nghị định 100/ 2006/ NĐ – CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của bộ luật dân sự, luật SHTT về quyền tác giả và quyền liên quan. Nội dung của luật SHTT và nghị định 100/ 2006/ NĐ – CP đề cập toàn diện và chi tiết về khái niệm quyền tác giả, quyền liên quan, nội dung, đặc điểm của quyền, các khái niệm liên quan và việc bảo hộ đối với từng đối tượng cụ thể.
Thông qua hệ thống văn bản pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan hiện nay ta nhận thấy: quyền tác giả và quyền liên quan là quyền nghiễm nhiên, được bảo hộ tự động đối với mọi tác phẩm có tác giả kể từ lúc được hình thành trừ việc sử dụng hợp lý tác phẩm được quy định tại một số điều trong công ước và luật SHTT. Trong đó cũng đưa ra những điều kiện đối với tác phẩm được bảo hộ đó là tác phẩm được định hình và có tính nguyên gốc.
CÁC VẤN ĐỀ BẢN QUYỀN TRONG SỐ HÓA TÀI LIỆU
Vấn đề bản quyền trong số hóa tài liệu cũng như trong môi trường số là rất phức tạp. Các điều ước quốc tế và hệ thống pháp luật quốc gia đã tiếp cận và điều chỉnh những vấn đề mới nảy sinh trong môi trường số, tuy nhiên đó vấn là vấn đề không chỉ của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, cơ quan quản lý nhà nước cũng như những người khai thác, sử dụng tác phẩm để số hóa một cách hợp pháp. Thư viện số với tư cách là chủ thể của quá trình số hóa tài liệu gặp phải nhiều câu hỏi về bản quyền khi tiến hành số hóa tài liệu từ góc độ pháp luật.Nói tới số hóa tài liệu có thể hiểu đơn giản là việc sử dụng các thiết bị công nghệ số để chuyển đổi hình thức tài liệu dưới dạng truyền thống sang dạng số để thông tin có thể được xử lý, lưu trữ, và truyền phát qua các thiết bị số và trên mạng. Để thực hiện việc số hóa tài liệu, trước tiên cần tiến hành thu thập và phân loại tài liệu. Thu thập và phân loại tài liệu không phải là hành vi sử dụng quyền tác giả và quyền liên quan, tuy nhiên mục đích của thu thập và phân loại tài liệu là nhằm số hóa tài liệu lại có thể là hành vi sử dụng quyền theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Vì vậy để bảo đảm quá trình số hóa được tiến hành hợp pháp, việc xác định tài liệu dự kiến số hóa có phải là đối tượng của quyền tác giả và quyền liên quan theo quy định của pháp luật hay không rất quan trọng.
Đầu vào của quá trình số hóa tài liệu là tài liệu  do đó có thể tồn tại ở bất kỳ phương tiện, hình thức nào chứa đựng nội dung thông tin (hình thức hiện hữu truyền thống như giấy, hoặc dạng số). Trong khi đó đối tượng của quyền tác giả bao gồm “tác phẩm văn học nghệ thuật khoa học” và đối tượng của quyền liên quan là “các cuộc biểu diễn, bản ghi âm ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa” (điều 3 luật SHTT) được thể hiện bằng bất kỳ phương tiện nào (điều 4 luật SHTT). Như vậy khi nào tài liệu đầu vào của quá trình số hóa chứa đựng sản phẩm mang tính sang tạo của con người đã được định hình thì mới là đối tượng bảo hộ bản quyền.
Người sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan là người sáng tạo ra tác phẩm (tác giả) hoặc người được tác giả chuyển nhượng quyền không phải người sở hữu bản gốc hay bản sao tác phẩm cụ thể. Việc xác định tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan sẽ chỉ rõ kế hoạch xin cấp phép sử dụng quyền tác giả và quyền liên quan trong triển khai số hóa tài liệu.
Đối với các đối tượng không thuộc đối tượng bảo hộ quyền tác giả (điều 15 luật SHTT) có thể số hóa không cần đặt ra vấn đề xin phép sử dụng quyền tác giả và quyền liên quan tuy nhiên vẫn phải tôn trọng quyền nhân thân vẫn phải được tôn trọng tuyệt đối. Những đối tượng đó là:
Tin tức thời sự chỉ đưa tin thuần túy
Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó
Quy trình hệ thống phương pháp hoạt động khái niệm nguyên lý số liệu
(điều 15 luật SHTT)
Các tác phẩm hết thời hạn bảo hộ theo luật định (tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng là 25 năm tính từ năm công bố; tác phẩm có tác giả là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm sau khi tác giả mất; tác phẩm đồng tác giả là 50 năm sau khi đồng tác giả cuối cùng mất; cuộc biểu diễn được định hình, bản ghi âm, ghi hình được công bố hoặc định hình nếu chưa công bố, chương trình phát sóng được thực hiện là 50 năm từ khi công bố hoặc định hình, thực hiện).
Các tác phẩm hoặc đối tượng bảo hộ quyền liên quan mà tác giả, chủ sở hữu quyền tuyên bố từ bỏ quyền tác giả và quyền liên quan
Các tài liệu được bảo hộ bản quyền trước khi sử dụng cần xin cấp phép sử dụng quyền tác giả và thực hiện nghĩa vụ trả nhuận bút, thù lao cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả theo thỏa thuận. Việc xin cấp phép sử dụng quyền tác giả và quyền liên quan khá đơn giản như liên hệ trực tiếp với tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả, hoặc thông qua các tổ chức quản lý tập thể nếu tác giả, chủ sở hữu quyền đã ủy thác quyền cho các tổ chức này quản lý (điều 56 luật SHTT).Ở Việt Nam hiện có các tổ chức quản lý tập thể là Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam, hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam, hiệp hội quyền sao chép Việt Nam.
Ngoài ra nếu hành vi số hóa tài liệu thuộc các trường hợp mà luật SHTT đã quy định tại điều 25 và điều 33 thì người số hóa không cần xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao như:
Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân
Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu
Ghi âm, ghi hình trực tiếp buổi biểu diễn để đưa tin thời sự hoặc để giảng dạy
Chụp ảnh, truyền hình tác phẩm tạo hình kiến trúc, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng được trưng bày tại nơi công cộng nhằm giới thiệu hình ảnh của tác phẩm đó
Cần chú ý ngoại lệ nêu trên chỉ áp dụng đối với tác phẩm đã đươc công bố,  không thể áp dụng cho các tác phẩm chưa công bố và phải đảm bảo tuân thủ quy tắc phép thử ba bước.
Như vậy bản thân việc số hóa tài liệu không vi phạm bản quyền, việc vi phạm hay không phụ thuộc vào mục đích sử dụng. Chẳng hạn nếu dùng với mục đích thương mại ảnh hưởng tới lợi ích kinh tế của người nắm giữ bản quyền là vi phạm hoặc phổ biến rộng rãi ra công chúng ngoài phạm vi của thư viện là vi phạm. Như vậy cán bộ thư viện và lãnh đạo các cơ quan thông tin thư viện cần nắm rõ trong quá trình xây dựng thư viện số đặc biệt là quá trình số hóa tài liệu những tác phẩm nào, hành vi nào vi phạm bản quyền tác giả


Nhận xét