Thiền phái Trúc Lâm - một nguồn lực của dân tộc



Nhìn lại lịch sử phát triển Phật giáo Việt Nam, từ đầu thế kỷ thứ III đã xuất hiện một nhân vật có tầm vóc tiêu biểu, đó là Khang Tăng Hội. Sách Lương cao tăng truyện do Huệ Hạo soạn năm 519 có ghi việc Khang Tăng Hội người gốc Thiên Trúc nhưng sinh trưởng ở Giao Châu (miền Bắc nước ta): “Ngài là một người trác tuyệt, có đặc tài, học thức và cởi mở, tính tình chân thực, thích nghiên cứu.
Ngài giảng nghĩa Kinh Tam Tạng rõ ràng, đọc nhiều sách thiên văn… và là một thiên tài văn chương. Khang Tăng Hội đã dịch kinh điển từ Phạn văn ra Hán văn. Ông là người Việt Nam theo đạo Phật đầu tiên và cũng là người Việt đầu tiên hoá đạo. Ông thị tịch năm Thiên kỷ thứ 4 nhà Ngô (280). Vậy là khẳng định rõ, Phật giáo đã vào Việt Nam ta từ thế kỷ thứ III. Nhưng đó chỉ là thời kỳ giáo tông, chưa có sự truyền thừa, chưa có một thiền phái. Và rồi, từ thế kỷ thứ III đến thế kỷ XII khi nước ta có Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, ở nước ta từng có 3 dòng Thiền lớn: Dòng Tì Ni Đa Lưu Chi, dòng Vô Ngôn Thông và dòng Thảo Đường.

Dòng Tì Ni Đa Lưu Chi là do Tì Ni Đa Lưu Chi, người Nam Thiên Trúc qua Trung Hoa, rồi tháng 3 năm 580 sang Việt Nam, ở chùa Pháp Vân mở đầu một dòng Thiền và đã truyền pháp cho Thiền sư Pháp Hiền, người Việt. Dòng Thiền này truyền thừa qua 19 thế hệ với những đại sư nổi tiếng như Pháp Hiền ở thế hệ 2, Thông Biện ở thế hệ 9, Đạo Hạnh ở thế hệ 12, Minh Không ở thế hệ 13… Còn dòng Vô Ngôn Thông (còn gọi là Thiền phái Quan Bích, là ngồi quay mặt vào bức tường) do Thiền sư Vô Ngôn Thông họ Trịnh, người Trung Hoa, sang Việt Nam vào 820, ở chùa Kiến Sơ, Phù Đổng, Bắc Ninh.
Do từ chùa Kiến Sơ mà truyền Pháp, nên còn gọi là dòng Thiền Kiến Sơ. Dòng này truyền thừa qua 17 thế hệ với những đại sư tiêu biểu như Ngô Chân Lưu ở thế hệ 5, Mãn Giác ở thế hệ 9, Thường Chiếu thế hệ 13, Hiện Quang thế hệ 15, Tiêu Diêu thế hệ 17… Trong đó, có những gương mặt văn hoá lớn của nước Việt ta thời Lý – Trần như Mãn Giác Thiền sư, Khuông Việt Đại sư Ngô Chân Lưu… Thảo Đường là dòng Thiền lớn bắt đầu truyền Pháp ở nước ta thế kỷ XI. Vào năm 1069, vua Lý Thánh Tông cất quân đi Bình Chiêm, đem về một số tù binh, trong đó có Thiền sư Thảo Đường. Thiền sư vốn người Trung Hoa, thuộc tông truyền thừa qua 6 thế hệ với những tên tuổi lớn trong lịch sử dân tộc, như Lý Thánh Tông ở thế hệ 2, Không Lộ ở thế hệ 3, Lý Anh Tông thế hệ 4, Lý Cao Tông thế hệ 6…
Thiền sư Hiện Quang chính là người khai sơn chùa Vân Yên, sau đổi là Hoa Yên, trên núi Yên Tử. Và Trần Thái Tông, ông vua đầu tiên của nhà Trần, một vị vua anh hùng, thi sĩ, có cuộc đời riêng đầy đau khổ, từng bỏ ngai vàng lên ở chùa này một thời gian. Sau, vì việc nước phải về triều “Tự thân làm tướng, đốc  chiến đi trước xông pha giữa tên đạn” (Ngô Sĩ Liên), đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ nhất. Thắng giặc xong, ông nhường ngôi cho con, lui về chuyên chú việc nghiên cứu Phật học. Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, người đời coi Trần Thái Tông như một ngọn đuốc Thiền học, với tác phẩm “Khoá hư lục” ông đã viết khi lui về làm Thái thượng hoàng.
Kế tiếp Thiền sư Hiện Quang là Thiền sư Đạo Viên, người được vua Trần Thái Tông gọi là Quốc sư Trúc Lâm. Tiếp nữa là Thiền sư Tiêu Diêu, tức Quốc sư Đại Tăng. Quốc sư Đại Tăng có hai học trò xuất sắc, một là Thiền sư Huệ Tuệ, một là Thượng Sĩ Tuệ Trung. Vua Thánh Tông còn gửi Thái tử Tuệ Trung. Tuệ Trung là một nhà Thiền học, có phẩm chất Thiền học, có phẩm chất Thiền sư, nhưng cũng là một cư sĩ sống đời tại gia. Bởi thế mà Thiền sư Huệ Tuệ chính là người truyền pháp giới cho Trần Nhân Tông khi vua xuất gia, chứ không phải là Tuệ Trung.
Trần Nhân Tông là ông vua anh hùng, một triết gia lớn, một thi sĩ sâu sắc của nước Việt ta thế kỷ XIII. Thuở thiếu thời, khi theo học Thượng sĩ Tuệ Trung, đã hỏi Thượng sĩ về bổn phận tông chỉ Thiền, Thượng sĩ đáp rằng: “Gốc của bổn phận Thiền là soi sáng lại chính mình, không từ bên ngoài mà được…”. Nghe qua, Ngài đã thông suốt. Năm Ngài 21 tuổi thì lên ngôi Hoàng Đế, 1279 lấy hiệu là Nhân Tông. Ngài phải cầm quân đánh đuổi quân xâm lược Nguyên Mông hai lượt, 1285 và 1288. Năm 35 tuổi, Ngài nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, rồi năm 41 tuổi, Ngài vào núi Yên Tử xuất gia tu hành, lấy hiệu là Trúc Lâm Đại Đầu Đà, và trở thành Tổ đầu của Thiền phái Trúc Lâm – Yên Tử. Như vậy, xét theo dòng truyền Yên Tử thì Đại Đầu Đà thuộc thế hệ 6. Nhưng đến Ngài, bằng trí tuệ ôm trùm đất nước và tri thức Phật học sâu xa, Ngài đã thống nhất các Thiền phái đã có thành một Thiền phái Trúc Lâm. Từ đây, dân tộc Việt có một Thiền phái mang tên Việt với Tổ là người Việt Nam. Có thể nói, đây là một chấm son trên lịch sử dân tộc nói chung và lịch sử Phật giáo Việt Nam nói riêng.
Theo các thư tịch cổ, nước ta vào thời Trần nửa phần dân là tăng. Vậy mà tinh thần khoan dung bác ái của Đạo Phật trong dân ta đã không bị rơi vào bi quan, yếm thế, quên lãng bổn phận đối với Tổ quốc khi có giặc ngoại xâm như trường hợp người Ấn Độ và người Indonesia trước sự xâm lăng của các quốc gia Hồi giáo. Thực tế cho thấy, dân ta đã ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông hùng mạnh bậc nhất thế giới khi đó. Một đặc điểm lớn nữa của Phật giáo thời Trần, dù là người xuất gia hay là cư sĩ khéo tu đều ngộ đạo. Bởi thế mà vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Thượng sĩ Tuệ Trung… là cư sĩ mà đều ngộ đạo. Thiền phái Trúc Lâm thực sự là tinh thần nhập thế của Thiền tông Việt Nam! Nó đã dung hợp được cả Nho giáo và Lão giáo mà tạo nên một Phật giáo độc đáo của Việt Nam ta, khiến đất nước kiện toàn cơ cấu tổ chức chính quyền, phát triển văn hoá, đào tạo nhân tài cho Tổ quốc.
Các nhà lãnh đạo Thiền phái Trúc Lâm không những là những nhà chính trị, những Thiền sư, mà còn là những nhà văn hoá, những thi nhân tài ba. Đại Đầu Đà Trúc Lâm là một mẫu mực. Ông là một triết gia lớn, đứng đầu triết phái Trúc Lâm – Yên Tử, đã suy nghĩ và kiến giải hầu hết những vấn đề triết học mà Phật giáo đặt ra, như vấn đề tâm, Phật; vấn đề có, không; vấn đề sống, chết… Ông cũng là con người của thực tế, nắm bắt chắc chắn quy luật sống tự nhiên, nên đã rất chủ động và tâm huyết đào tạo thế hệ tiếp nối. Một lần đến Nam Sách, Trần Nhân Tông đã thu nhận Đồng Kiên Cương (1284-1330) làm học trò, và đặt tên cho là Thiện Lai, năm sau lại ban cho pháp hiệu là Pháp Loa. Pháp Loa trở thành trí thức lớn của Thiền phái Trúc Lâm, biên soạn nên những sách về Phật học có giá trị lớn, như “Tham thiền chỉ yếu”, “Phát nguyện văn”, và viết nên tác phẩm “Đoạn sách lục nổi tiếng”… Đến năm 1308, Đại Đầu Đà Trúc Lâm đã truyền pháp giới cho Thiền sư Pháp Loa làm Tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm.
Một trường hợp tiêu biểu nữa là Thiền sư Huyền Quang (1254-1334), vị Tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm. Ông tên thật là Trần Đạo Tái, người vùng Gia Lương, Bắc Ninh ngày nay, năm 21 tuỏi đã thi đỗ Trạng Nguyên. Theo sách Tam tổ hành trạng, Trần Đạo Tái thi đỗ nhưng không chịu làm quan mà xin vua Trần cho vào núi tu hành, pháp hiệu là Huyền Quang. Huyền Quang được Tổ thứ nhất rất yêu mến, cho ở luôn bên mình để kèm cặp, và giao cho soạn một số sách về Phật học, như “Chư phẩm kinh”, “Công văn tập” và “Thích Khoa giáo”. Đại Đầu Đà Trúc Lâm từng thốt lên: “Phàm các sách đã qua tay Huyền Quang biên khảo thì không thể thêm hay bớt chữ nào”. Năm 1317, bị ốm nặng, Thiền sư Pháp Loa đã truyền pháp giới cho Huyền Trang làm Tổ thứ 3 của Thiền phái Trúc Lâm. Thiền sư Huyền Quang được ghi nhận là một trí tuệ uyên bác, chứng nhập sâu xa đạo pháp, và là một bậc thầy giảng dạy Phật học tâm huyết có hàng ngàn người theo học. Và lịch sử văn học Việt Nam ghi nhận Huyền Quang là một nhà thơ có tầm cỡ lớn thời Trần, để lại cho đời những bài thơ, những câu thơ đẹp vào bậc nhất thơ ca Việt Nam xưa, trong đó có bài phú “Vịnh chùa Hoa Yên” bất hủ viết về vùng phúc địa Yên Tử.
Sau Tam Tổ, Thiền phái Trúc Lâm truyền thừa qua nhiều Quốc sư, Đại sư nhiều thế hệ. Khi nhà Trần suy vi, giới trí thức trong nước hướng về Nho học những mong tìm được phương thức dựng nước và giữ nước mà đã không thấy được văn hoá dân tộc. Suốt hai trăm năm không thấy xuất hiện những bậc đại sư, có lẽ do thái độ bài Phật giáo của các nhà Nho nên các Thiền sư lui về ẩn dật và trong Phật giáo thời kỳ này, thầy cúng nhiều hơn thầy tu.
Đến đầu thế kỷ XVII, Thiền sư Chân Nguyên được truyền y bát Trúc Lâm, trụ trì chùa Long Động và chùa Quỳnh Lâm là hai chùa lớn của phái Trúc Lâm, lại khởi lên sự phục hưng văn hoá Phật giáo nước nhà. Thiền sư Chân Nguyên lại có nhiều học trò xuất sắc là Như Hiện, Như Trần, Như Sơn… Họ đã viết nên 11 tác phẩm Phật học, tiêu biểu là Thiền uyển tập anh (1715), Kế đăng lục (1734), Thánh đăng lục (1750). Đến thời kỳ các chúa Nguyễn di dân về phương Nam, các Thiền sư với bản nguyện độ sinh, cũng theo dân vào các vùng đất mới để truyền bá Phật pháp, xây chùa chiền mới. Thiền phái Trúc Lâm tiếp tục truyền thừa trong các chùa từ Bắc chí Nam.
Trong thời kỳ chiến tranh chống đế quốc, Phật giáo Việt Nam là một nguồn lực che chở âm thầm cho người dân Việt sống vượt lên gian khổ hy sinh. Như một lẽ tự nhiên, một nén hương dâng lên, một câu niệm, lời tụng kinh, khiến tâm không sợ hãi, trí tin vào dân tộc và Tổ quốc. Cho đến những năm cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, Thiền viện Trúc Lâm – Yên Tử là chùa Long Động, nơi Thiền sư Chân Nguyên ngót ba thế kỷ trước đã một lần phục hưng Thiền Trúc Lâm một lần nữa. Đó là Thiền sư Thích Thanh Từ cùng các đệ tử của ông. Họ đang khơi thêm dòng chảy cho mạch nguồn Thiền phái Trúc Lâm lan tràn khắp chốn, khiến ánh sáng đạo Tổ soi đến mọi người, làm bừng dậy một sức sống chân thật từ thời xa xưa – sức sống của dân tộc Việt.

Nhận xét