Nhắc đến chữ tu, người ta thường nghĩ
đến các vị sư thầy, hòa thượng trong chùa hay những Phật tử tại gia. Tu
dường như là một hoạt động chỉ dành cho những người theo đạo Phật để đạt
tới một điều gì đó cao siêu, vượt thoát khỏi thế giới phàm tục này. Đó
là suy nghĩ của phần đông những người không theo hoặc hiểu biết rất ít
về Phật giáo. Còn đối với những người đang tu, dù là xuất gia hay tại
gia, thì ý niệm về hoạt động này cũng được hiểu theo nhiều cách khác
nhau. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu đúng và đi đúng trên con đường
tu tập để đạt được những thành tựu viên mãn.
Tu là một từ Hán Việt có nghĩa là sửa.
Sửa cái gì? Sửa mình, sửa những suy nghĩ, hành động, lời nói (thân –
khẩu – ý) của mình từ thứ chưa tốt để trở nên tốt đẹp hơn. Khi những suy
nghĩ, hành động, lời nói của mình đã trở nên tốt đẹp, không đem đến
phiền não cho mình và người xung quanh thì tự nhiên tâm sẽ được an lạc,
luôn cảm thấy thảnh thơi, yêu đời. Chỉ hiểu được ý nghĩa đơn giản này
thôi thì chúng ta đã phá tan được những ý niệm sai lầm về sự tu tập mà
nhiều người đang mắc phải. Tuy nhiên, ý nghĩa thì không khó hiểu, nhiều
người hiểu được như vậy nhưng cách chúng ta làm đôi lúc vẫn đi ngược lại
với những điều đó.
Chúng ta luôn cho rằng mình đã sống tốt,
không làm hại ai, những gì mình làm đều đúng, thậm chí mình là nhất.
Vậy tại sao cuộc sống của chúng ta luôn có rất nhiều vấn đề không hay
xảy đến làm ta phải bất an, mệt mỏi, lo lắng, sợ hãi…? Chúng ta đã tốt
như vậy thì sao không trở thành người được tất cả mọi người kính trọng,
yêu mến? Là do ngoại cảnh không như mong muốn, do điều nọ điều kia khiến
ta như vậy? Sai lầm của con người chính là không nhận ra được những
điều chưa tốt ở mình, lỗi lầm ở mình. Ta mải mê đổ lỗi cho hoàn cảnh,
cho người xung quanh mang đến cho ta những điều bất hạnh mà không nhận
ra rằng vì mình vô minh nên tự tạo ra những đau khổ đó. Tu chính là quá
trình chúng ta nhìn lại mình để nhận ra những điều chưa hay, chưa tốt để
sửa đổi. Có sửa đổi thì bản thân ta mới trở nên hoàn thiện, mới xứng
đáng để hưởng những điều tốt đẹp của cuộc sống. Như vậy, việc tu đâu có
phân biệt người theo đạo Phật hay không theo đạo Phật. Bất cứ ai đều có
thể tu, sửa đổi chính bản thân mình. Phật pháp, hay còn gọi là giáo pháp
của đức Phật, chỉ là sự chỉ dạy của một người đã hoàn toàn hoàn thiện
về con đường, cách thức để việc tu sửa của chúng ta đi đúng hướng và có
kết quả.
Tu là sửa mình nhưng thực tế thì chúng
ta thường lo sửa người nhiều hơn. Sửa mình thì ta phải nhận ra sai lầm ở
mình để sửa, nhưng dường như lỗi của người khác dễ nhận ra hơn nên sửa
lỗi người nhanh hơn sửa lỗi mình. Bạn có thể có lòng tốt góp ý cho người
khác về sai lầm của họ để họ có thể thay đổi cho tốt đẹp hơn. Bạn cũng
có thể nhìn thấy sai lầm ở người khác rồi đem ra phân tích, bàn luận với
những người khác nữa với mục đích để rút kinh nghiệm cho bản thân. Hoặc
tệ hơn, thói quen bắt lỗi, nói xấu người khác của bạn chưa thể sửa ngay
được nên bạn thích làm điều đó để thỏa mãn bản thân. Một lí do nữa là
bạn muốn người khác thay đổi để mình sống an ổn hơn. Dù là lí do nào thì
chúng ta hãy xem mình đã tu được gì, sửa mình được gì sau những điều
đó? Khi nói lỗi của người, bạn có nghĩ rằng mình có từng phạm phải lỗi
như vậy không, bạn đã đủ tư cách để nhắc nhở họ hay người đó sẽ suy nghĩ
ra sao nếu bạn khơi ra điều đó? Con người chẳng ai muốn bị vạch ra
những điều chưa tốt. Người biết tiếp nhận ý kiến đóng góp của người khác
lại càng ít. Để thay đổi một người, hoặc là bạn phải có cách góp ý phù
hợp để người đó chấp nhận lời nói của bạn, hoặc là bạn phải đủ uy tín để
người ta nể phục mà nghe lời. Cả hai điều đó lại phụ thuộc ở bạn, quá
trình bạn tu sửa thân tâm mình ra sao, có những thay đổi tích cực như
thế nào để người khác nhìn vào bạn là thấy tin tưởng, cảm phục, kính
trọng, yêu mến. Khi bản thân bạn đã toát lên điều đó thì nhiều khi không
cần phải chỉ ra lỗi và nhắc nhở người khác thì người đó cũng tự thấy
mình chưa tốt để mà sửa. Một thói quen chưa tốt của mình muốn thay đổi
đã không dễ thì liệu mình có đủ khả năng để thay đổi thói quen của người
khác, trong khi họ còn không có ý thức thay đổi nó? Thời gian để soi
xét các lỗi lầm và sửa cho người khác thì chúng ta nên dành ra để nhìn
lại mình. Bạn sẽ nhận ra nhiều lỗi lầm của mình hơn để mà sửa đổi. Đó
mới chính là công việc mà người tu cần làm.
Bài thuyết pháp đầu tiên của đức Phật
giảng về Tứ diệu đế. Trong đó, đức Phật đã nêu ra sự thật về cuộc đời,
đó là bể khổ. Sự giác ngộ của Ngài là hiểu được nguồn gốc của mọi khổ
đau và tìm ra được cách để thoát khỏi những khổ đau đó. Giờ đây Ngài
truyền dạy lại cho chúng ta con đường mà Ngài đã đi qua để đạt tới giải
thoát, giác ngộ. Đạo Phật chính là con đường để trở thành người không
còn khổ đau. Mục đích của sự tu tập cũng đồng nghĩa với việc chúng ta
thực hiện lời dạy của đức Phật để thoát khỏi những điều làm chúng ta mất
đi niềm vui sống như lo âu, sợ hãi, tức giận, khó chịu, bất an… Tuy
nhiên, từ bao giờ mà mục đích đơn giản đó lại được nâng tầm lên tới
nhiều mức độ to lớn như để trở thành một vị Phật với các quyền năng và
phép thần thông, để thoát khỏi luân hồi sinh tử hay sinh về cõi Tây
phương cực lạc…
Những mục đích này không phải là không tốt đẹp. Song làm
thế nào để chúng ta đo lường những thứ không thực tế ấy? Chúng ta đâu
ai đã chết để trải nghiệm về sự luân hồi, đã ai biết cảm giác khi thành
một vị Phật và nhìn thấu được quá khứ, vị lai, đã ai tận mắt thấy thế
giới cực lạc tốt đẹp ra sao, hay tất cả đều chỉ là do nghe ai đó nói,
thầy nào đó giảng, sách nào đó viết về những điều này? Chúng ta không hề
có chút trải nghiệm nào về điều đó thì làm sao biết được mình phải tu
đến bao giờ, tu như vậy đã đưa mình tới gần mục đích đó hay chưa? Thế
nhưng, khổ đau là thứ mà ai cũng có thể cảm nhận được ngay trong chính
tâm mình. Chúng ta chịu đựng nó hàng ngày, điên đảo vì nó hàng ngày. Đó
là sự thật rõ ràng không cần người khác phải diễn đạt lại thì ta mới
biết. Khổ đau được giảm bớt ra sao, an lạc nhiều hơn như thế nào mới là
điều chúng ta có thể đo lường, so sánh. Khi mục đích của sự tu tập hướng
tới việc giải thoát khổ đau trong tâm mình thì người tu mới có cơ sở để
biết được mình đã đi đúng hướng chưa và đạt kết quả như thế nào. Như
vậy sự tu tập mới có thể có tiến bộ và đi đúng với điều đức Phật đã dạy
ngay từ bài giảng đầu tiên.
Title: | Đôi điều suy ngẫm về chữ "Tu"…. |
Authors: | Đặng, Viết Đà |
Keywords: | Chữ Tu Phật giáo |
Issue Date: | 2016 |
Publisher: | Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam |
Description: | Tạp chí nghiên cứu phật học số tháng 3/2016 ; 2 tr. ; TNS08615 |
URI: | http://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/53797 |
Appears in Collections: | Nghiên cứu Phật học và Phật hoàng Trần Nhân Tông (LIC) |
Nhận xét
Đăng nhận xét