Vài cảm nhận về Hát chèo tầu - Một nét văn hóa nghi lễ dân gian đặc sắc



Không nhiều người biết về hình thức văn hóa này, nhưng chèo tầu chính là mạch nguồn văn hóa của một vùng quê Bắc Bộ.


Xã Tân Hội (Đan Phượng, Hà Tây) xưa là Tổng Gối thuộc phủ Hoài Đức, Hà Đông cũ, vùng đất cổ thuộc Phong Châu. Tân Hội nay gồm 4 thôn: Thượng Hội, Thúy Hội, Vĩnh Kỳ và Phan Long. Nơi đây là cái nôi của hát chèo tầu.
Hát chèo tầu là một loại hội hát có tính chất nghi lễ thờ Văn Dĩ Thành - Vị thần hoàng của làng. Hình thức hát chèo tầu gồm: hát khấn, hát xô và ca khúc. Nó được thể hiện trong các nghi thức: hát trình, hát dâng hương, hát dâng rượu, hát bài tầu tượng, hát bỏ bộ, hát các bài lý, hát ví. So với chèo thông dụng chèo tầu có đặc trưng riêng biệt là chỉ có phụ nữ tham gia diễn xướng và không có hình thức diễn kịch, hát vỉa, ngâm, hát sử hay hề chèo… 


Hội chèo tầu diễn ra từ rằm đến 21 tháng Giêng. Nơi tổ chức hội gọi là khu “đại dinh” được dựng bằng mây, tre, gỗ, lá theo quy mô của một cung điện. Đại dinh gồm: đền chính, nhà đại bái, nhà đại kiệu, nhà hành lang, nhà thể sát nội, nhà tướng cờ, nhà tướng kiệu.
Để tổ chức hội, mỗi làng Thượng Hội và Thúy Hội phải làm một cái thuyền rồng bằng gỗ chắc chắn dài từ 4 - 5 m, rộng 2 m, ở giữa có một cái lầu nhỏ, dưới có bánh xe bằng gỗ đẩy đi đẩy lại được. Trên thuyền có lá cờ hội và 13 cái lọng. Mỗi làng phải chọn ra một bà chúa tầu giỏi múa hát khoảng 50 tuổi (đầu đội mũ tròn 5 nếp, khăn 5 màu, mặc áo điều, quần điều, chân đi hài), 2 cái tầu và 10 “con tầu”. “Con tầu”, “Cái tầu” là các thiếu nữ có nhan sắc, nhà nề nếp, tuổi từ 13 - 16, đội khăn nhiễu tam giang, quần áo nhiễu điều, dép cong sơn đen, quai nhung. Phan Long và Vĩnh Kỳ mỗi làng làm 1 con voi đan bằng tre bên ngoài phết giấy dày cao khoảng 2,5 m, dài gần 3 m, cắm cờ, lọng và được đặt trên một cái bệ có bánh xe đẩy đi đẩy lại được. Mỗi voi có 2 quản voi (quản tượng) là nữ cải trang nam khoảng 30 tuổi (1 quản tiền và 1quản hậu). Cả hai đều vấn khăn mỏ rìu, búi tó, hoặc đội mũ đầu nâu thần võ, thắt lưng màu, quần áo màu hồng tay thụng ngắn, chân đi hia, có lọng xanh và cầm búa ngọc. Quản tiền tay cầm hoa, quản hậu đeo còi trước ngực. Ngoài ra, còn có 4 mẹ chiêu quân (4 làng), 50 mỹ nữ và 200 hàng đô.
Xuất xứ của hát chèo tầu đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã đưa ra 3 giả thuyết. 


Thứ nhất: Theo truyền thuyết, Văn Dĩ Thành sống vào đời vua Trần Trùng Quang (thế kỷ XV) là một học trò nghèo nhưng tài giỏi. Một lần trời làm mưa giông, ông đi qua cánh đồng (nay là khu lăng Văn Sơn) thì tự nhiên hóa. Nơi ấy mối đùn lên thành một gò đất lớn. Ông được Diêm Vương phong làm tướng Dạ Xoa rất linh thiêng thường giúp đỡ nhân dân Tổng Gối. Bởi vậy dân lập đền thờ và tôn ông làm thành hoàng của làng. Hàng năm nhân dân tổ chức hát hội chèo tầu để ca ngợi ân đức của ông.
Thứ hai: Ngày xưa, Triệu Quang Phục đánh tan giặc ngoại xâm rồi lên làm vua, nhưng Lý Phật Tử không chịu cũng xưng vương. Do đó chiến tranh đã xảy ra và kéo dài trong nhiều năm gây không biết bao nhiêu đau khổ cho nhân dân. Để chấm dứt cuộc chiến này, Triệu Quang Phục đã viết thư hẹn Lý Phật Tử đến bãi quân thần (nay thuộc Phượng Cát, Hạ Cát, Từ Liêm, Hà Nội). Quân của Lý đi thuyền (tầu) còn quân của Triệu đi voi (tượng) đến điểm hẹn. Hát chèo tầu ra đời chính là để diễn đạt cuộc hội quân ấy.
Thứ ba: Thời Hai Bà Trưng chống nhà Hán xâm lược có kéo quân qua tổng Gối, thuyền bè tấp nập. Nhân dân nhớ đến quân tướng của Hai Bà nên những khi được mùa thường hát múa để tưởng niệm. Vì vậy hát chèo tầu đã ra đời. Tuy giả thuyết thứ nhất có nhiều yếu tố duy tâm và không đủ sức thuyết phục, nhưng nó được nhiều nhà nghiên cứu ủng hộ. Để quản lý trực tiếp, khai thác và phát huy được truyền thống văn hóa của địa phương mình, Tân Hội đã xây dựng “CLB chèo tầu” và xã hội hóa nó dưới hình thức dạy hát chèo tầu trong các lớp học.
Ông Nguyễn Hữu Yến - Phụ trách CLB nói trên - cho biết: “Người dân Tân Hội luôn tự hào vì giá trị văn hóa của quê hương mình vẫn luôn được gìn giữ và phát huy”. Chèo tầu ngày nay ảnh hưởng nhiều của sự thâm nhập thơ ca dân gian trữ tình, của những sinh hoạt dân ca như những điệu lý hành vân, lý giao duyên, hát ru… Đây cũng chính là kết quả của sự giao lưu văn hóa giữa các vùng.
Nghệ nhân Tiến Thị Lục, 90 tuổi, ở xã Tân Hội khẳng định: “Bây giờ chèo tầu tuy đã bị mai một, thất lạc do truyền miệng và chỉ là hát vo nhưng nó vẫn luôn đóng một vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân”.

Nhận xét