Tìm hiểu quá trình hình thành và phát triển của Hội An qua sự phân bố các di tích



Hội An là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử cánh mạng và văn hóa, được kết tinh qua nhiều thời đại và từng nổi tiếng trên thương trường quốc tế với nhiều tên gọi khác nhau như Lâm Ấp, Faifo Hoài Phố, Hội An...


Do có đặc điểm địa lý thuận lợi nên từ hơn 2000 năm trước, mảnh đất này đã tồn tại và phát triển nền văn hóa Sa Huỳnh muộn
Qua kết quả nghiên cứu khảo cổ học tại 4 di tích mộ táng (An Bang, Hậu Xá I, Hậu Xá II, Xuân Lâm) và 5 điểm cư trú (Hậu Xá I, Trảng Sỏi, Ðồng Nà, Thanh Chiắm, Bàu Ðà), với nhiều loại hình mộ chum đặc trưng, với những công cụ sản xuất, công cụ sinh hoạt, đồ trang sức tuyệt xảo bằng đá, gốm, thủy tinh, kim loại... được lấy lên từ lòng đất đã khẳng định sự phát triển rực rỡ của nền văn hóa Sa Huỳnh. Ðặc biệt sự phát hiện hai loại tiền đồng Trung Quốc thời Hán (Ngũ Thù, Vương Mãng), những hiện vật sắt kiểu Tây Hán, dáng dấp Ðông Sơn, Óc Eo, hoặc đồ trang sức với công nghệ chế tác tinh luyện trong các hố khai quật đã chứng minh một điều thú vị rằng, ngay từ đầu Công nguyên, đã có nền ngoại thương manh nha hình thành ở Hội An.


Dưới thời vương quốc Chăm Pa (Thế kỷ 9-10), với tên gọi Lâm ấp Phố, Hội An đã từng là cảng thị phát triển, thu hút nhiều thương thuyền Ả Rập, Ba Tư, Trung Quốc đến buôn bán, trao đổi vật phẩm. Nhiều thư tịch cổ ghi nhận đã có một thời gian khá dài, Chiêm cảng - Lâm ấp Phố đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo nên sự hưng thịnh của kinh thành Trà Kiệu và khu di tích đền tháp Mỹ Sơn. Với những phế tích móng tháp Chăm, giếng nước Chăm và những pho tượng Chăm (tượng vũ công Thiên tiên Gandhara, tượng nam thần tài lộc Kubera, tượng voi thần...) cùng những mảnh gốm sứ Trung Quốc, đại Việt, Trung Ðông thế kỷ 2-14 được lấy lên từ lòng đất càng làm sáng tỏ một giả thiết từng có một Lâm ấp Phố (thời Chăm Pa) trước Hội An (thời Ðại Việt), từng tồn tại một Chiêm cảng với sự phát triển phồn thịnh.

  

Cũng chính nhờ môi trường sông nước thuận lợi, cộng với nhiều yếu tố nội, ngoại sinh khác, từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19, đô thị - thương cảng Hội An lại được tái sinh và phát triển thịnh đạt. Do hấp lực của cảng thị này, cùng với "con đường tơ lụa", "con đường gốm sứ" trên biển hình thành từ trước nên thương thuyền các mước Trung, Nhật, Ấn Độ, Xiêm, Bồ, Hà, Anh, Pháp... tấp nập đến đây giao thương mậu dịch.
Theo các nguồn sử liệu, lượng tàu thuyền vào ra bến cảng tấp nập đến nỗi cột buồm của chúng "như rừng tên xúm xít" (Thích Ðại Sán - Hải ngoại ký sự), còn hàng hóa thì "không thứ gì không có", nhiều đến mức " cả trăm chiếc tàu to chở cùng một lúc cũng không hết được" (Lê Quý  Ðôn - Phủ biên tạp lục). Trong thời kỳ này, Hội An là đô thị-thương cảng quốc tế phát triển rực rỡ vào bậc nhất của cả nước và cả khu vực Ðông Nam Á, là cơ sở kinh tế trọng yếu của các chúa Nguyễn, vua Nguyễn ở Ðàng Trong.
Từ cuối thế kỷ 19, do chịu sự tác động của nhiều yếu tố bất lợi, "cảng thị thuyền buồm" Hội An suy thoái dần và mất hẳn, nhường vai trò lịch sử của mình cho " cảng thị cơ khí trẻ"ớ Ðà Nẵng. Nhưng cũng nhờ đó, Hội An đã tránh khỏi được sự biến dạng của một thành thị trung - cận đại dưới tác động của đô thị hóa hiện đại để bảo tồn cho đến ngày nay một quần thể kiến trúc đô thị cổ hết sức độc đáo, tuyệt vời.
Trong suốt 117 năm kháng chiến chống ngoại xâm (1858 - 1975), hàng nghìn người dân Hội An đã ngã xuống cho độc lập và thống nhất đất nước. Nhiều địa phương và một số người trong số họ đã được phong tặng danh hiệu "Anh hùng"
Vào ngày 22/8/1998, Hội An được nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân". Hơn một năm sau, ngày 4 tháng 12 năm 1999, Tổ chức Văn hóa - Khoa học - Giáo dục Liên hiệp quốc UNESCO đã ghi tên Hội An vào danh mục các di sản Văn hóa thế giới và vào ngày 24/8/2000 Hội An một lần nữa được nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng Lao động" trong thời kỳ đổi mới.
Mời các bạn quan tâm đến đề tài tìm hiểu luận văn có cùng chủ đề “         Tìm hiểu quá trình hình thành và phát triển của Hội An qua sự phân bố các di tích” của tác giả Kikuchi Seiichi tại đường link: http://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/24334


Nhận xét