Những
làn sóng người lao động rời nông thôn lên thành thị làm ăn hay đi xuất khẩu lao
động đang để lại đằng sau số lượng ngày càng tăng trẻ em thiếu vắng sự chăm lo
của các bậc cha mẹ. Thực trạng đáng lo ngại này đã, đang và sẽ dẫn đến không ít
hệ lụy cho cả gia đình và xã hội.
Trước
tiên cần nhìn nhận yếu tố tích cực việc cha mẹ đi làm ăn xa mang lại. Đó là lợi
ích kinh tế cho các thành viên gia đình từ tiền gửi về. Di cư đi làm ăn tới các
khu vực thành thị phát triển hơn cũng góp phần tạo nên những thay đổi về tầm
nhìn, hiểu biết cho cha mẹ, qua đó tạo nên những thay đổi về chiến lược phát
triển gia đình, kiến thức cuộc sống, cách thức đầu tư cho con cái. Qua các kênh
liên lạc, trao đổi, trẻ em của những gia đình này cũng tiếp nhận được những nguồn
thông tin và kiến thức mới mẻ, mở mang ý tưởng, lối sống cho con cái ở quê. Cha
mẹ đi làm ăn xa cũng tạo ra những cơ hội giúp con tham gia vào những hoạt động
cộng đồng và sự tự lập cho con trẻ.
Song,
thực tế nêu trên cũng cho thấy chất lượng cuộc sống của những trẻ em thiếu vắng
sự chăm lo, dạy dỗ của cha mẹ đã bị giảm sút ở nhiều khía cạnh. Chẳng hạn, sự
chăm sóc, quan tâm hằng ngày về ăn uống, học hành, vui chơi sẽ không được như
khi cha mẹ ở nhà. Một số em phải tự kiểm soát chi tiêu gia đình để bảo đảm các
nhu cầu sinh hoạt hằng ngày. Lượng công việc, bao gồm việc nhà, chăm sóc bản
thân và các em (nếu có), sẽ tăng lên khi thiếu sự hỗ trợ của cha mẹ, đồng nghĩa
với thời gian vui chơi, giải trí với bạn bè sẽ giảm đi...
Với
những thay đổi ấy, những trẻ em ở lại sẽ chịu nhiều tác động về học tập, sức khỏe,
cũng như phát triển tâm sinh lý theo hướng tiêu cực nhiều hơn tích cực. Tác động
trước tiên là thay đổi trong việc chăm sóc trẻ em. Phân công lao động trong gia
đình có thay đổi lớn khi cha mẹ hoặc một trong hai người đi làm ăn xa. Những đứa
trẻ ở lại thường sống với một thành viên nào đó trong gia đình hoặc họ hàng.
Ông bà là người có huyết thống và quan hệ gần gũi nhất với cháu theo những tư
tưởng mang ảnh hưởng văn hóa truyền thống, nên cha mẹ có xu hướng tin cậy gửi
con lại cho cha mẹ già nuôi dạy. Điều đáng lưu ý là trẻ em ở lại không chỉ được
người lớn chăm sóc, mà chúng còn tự chăm sóc bản thân và chăm sóc nhau. Hầu hết
những trẻ em này đều là những người chăm sóc tí hon trong ngôi nhà của mình.
Một
hệ lụy khác, những đứa trẻ lớn lên thiếu sự chăm sóc của cha mẹ bị ảnh hưởng
không nhỏ đến việc học hành. Tâm lý thông thường là cha mẹ đi làm ăn xa với
mong muốn cuộc sống của gia đình, trong đó có con cái tốt hơn, có điều kiện học
hành hơn. Tuy nhiên, việc học tập của trẻ em ở lại có thể bị ảnh hưởng do trách
nhiệm của trẻ em với việc nhà nhiều hơn, thiếu sự dạy dỗ, kèm cặp và giám sát hằng
ngày của cha mẹ. Ngoài ra, những tác động tiêu cực đến tâm lý của trẻ cũng có
thể khiến trẻ em không có hứng thú học tập như khi có cha mẹ ở nhà.
Nhiều
nhà nghiên cứu cho rằng, xa cách cha mẹ thường xuyên có thể tạo nên những sức
ép tâm lý cho trẻ, nhất là vị thành niên. Tuổi thơ là giai đoạn quan trọng để
trẻ em nhận sự hỗ trợ về vật chất và tinh thần từ người chăm sóc để hình thành
thế giới tâm lý và xã hội. Trẻ em ở lại thường thiếu sự quan tâm, bảo vệ, và
chăm sóc thường xuyên của cha mẹ, nên có thể có nhiều nguy cơ tổn thương tâm
sinh lý. Tai nạn, lo lắng, mất kiểm soát, tự ti, căng thẳng, sợ hãi, cảm giác bị
bỏ rơi, tức giận, có các hành vi bạo lực là một số nguy cơ mà trẻ em ở lại có
thể phải gánh chịu. Trẻ em ở lại cũng ít khi có những cuộc trò chuyện tâm sự với
cha mẹ, ít cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ. Cha mẹ vắng nhà lâu và thường
xuyên khiến nhiều trẻ em có xu hướng thích ở một mình, khó hòa nhập xã hội. Các
em có thể chậm lớn, khả năng nhận thức nghèo nàn, tinh thần hay rối loạn và có
nhiều hành vi lệch chuẩn.
Nhiều
đứa trẻ nơi thôn quê còn chịu những thiệt thòi do cuộc sống gia đình không hạnh
phúc hay bố mẹ chia tay sau những năm tháng họ đi làm ăn xa. Bởi trong nhiều
trường hợp, vợ chồng sống xa nhau, nhất là trong nhóm đi làm ăn xa nhà lâu ngày
hay xuất khẩu lao động, có thể gây ra những nguy cơ tan vỡ gia đình. Một số gia
đình có thay đổi vai trò giới khi nhiều trường hợp nam giới là người ở nhà nội
trợ, phụ nữ đi kiếm tiền khiến mâu thuẫn gia đình nảy sinh khi một trong hai vợ
chồng không thể thích nghi, v.v. Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến tâm lý, sức
khỏe và kết quả học tập cũng như sự phát triển của trẻ em ở lại khi các em chịu
hệ quả kép.
Ưu
tiên lý tưởng về mặt chính sách là hạn chế tối đa việc để con cái ở lại nhà.
Nghĩa là, người đi làm ăn xa, nhất là người có gia đình, cần được tạo điều kiện
đầy đủ tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục, y tế, nhà ở... tại
nơi đến. Tuy nhiên, hành lang chính sách cho các nhóm di cư đi làm ăn, nhất là
di cư tự do, di cư mùa vụ, hiện nay ở nước ta còn rất hạn chế. Chính vì vậy, để
trẻ ở lại thôn quê vẫn là lựa chọn tối ưu nhất đối với nhiều gia đình lao động
di cư.
Trẻ
em ở nhà thiếu vắng sự chăm lo của cha mẹ là một hiện tượng xã hội tất yếu của
quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Những chính sách hỗ
trợ tại địa phương nơi trẻ em sinh sống, vì thế, đóng vai trò quan trọng. Một số
địa phương như Hội Phụ nữ Hà Tĩnh đã xây dựng mô hình Câu lạc bộ "Khi mẹ vắng
nhà". Tại đây, con cái của những phụ nữ đi xuất khẩu lao động chia sẻ tâm
tư tình cảm, được cán bộ hội phụ nữ trang bị kiến thức về pháp luật, kỹ năng sống
cho các cháu để vượt qua khó khăn, vững vàng hơn trong cuộc sống trong những
ngày thiếu mẹ. Một số mô hình khác mà các đoàn thể có thể triển khai như tư vấn
tâm lý, hỗ trợ giáo dục, học tập; hỗ trợ và giám sát trẻ em... để bảo đảm sự
phát triển ổn định hơn về tâm lý, sức khỏe của trẻ em và cũng phù hợp với truyền
thống văn hóa của nước ta.
Tuy
nhiên, về lâu dài, những tác động từ hệ quả của làn sóng lao động di cư sẽ ngày
càng trầm trọng và rõ nét hơn trong đời sống xã hội. Chính vì vậy, trong thời
gian tới, cần có sự nhìn nhận, nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này. Từ đó, cần có
những điều chỉnh về chính sách để điều tiết làn sóng người lao động di cư, cũng
như cải thiện, nâng cao điều kiện sống cho các lao động nhập cư tại các đô thị
lớn.
Theo
Bộ LĐ-TB&XH, số lượng lao động xuất khẩu tăng từ khoảng 30.000 người năm
2000 lên đến hơn 106.000 người năm 2014, trong đó, lao động nữ chiếm khoảng
trên 1/3 và đang tiếp tục tăng lên. Điều đó có nghĩa số trẻ em thiếu vắng sự
chăm lo của cha mẹ đang ngày càng gia tăng. Và như vậy, nếu không kịp thời có
chính sách phù hợp, những hệ lụy đối với gia đình và xã hội sẽ ngày càng cao.
Mời
các bạn quan tâm đến đề tài tìm hiểu luận văn có cùng chủ đề “ Thích ứng tâm lý của trẻ em nông thôn
có bố mẹ đi làm ăn xa” của tác giả Lê Văn
Thịnh tại đường link: http://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/33964.
Kết
quả nghiên cứu của luận văn là một tài liệu tham khảo hữu ích đối với các cơ sở
đào tạo, các nhà nghiên cứu, các giáo viên... để đưa ra những giải pháp phù hợp
giúp nâng cao khả năng thích ứng trong học tập cũng như trong cuộc sống của trẻ
em nông thôn có bố mẹ đi làm ăn xa.
Trên
cơ sở nghiên cứu lý luận và thực trạng thích ứng tâm lý của trẻ em nông thôn có
bố mẹ đi làm ăn xa, đề tài nghiên cứu nhằm cung cấp thêm một số tri thức, một số
kết quả thực tế của sự thích ứng tâm lý của trẻ em nông thôn có bố mẹ đi làm ăn
xa, những khó khăn mà trẻ gặp phải trong cuộc sống, trong học tập, để từ đó gia
đình, nhà trường và các thầy cô có những biện pháp giục dục phù hợp nhằm giúp
các em thích ứng với các hoạt động học tập trong nhà trường, cũng như là thích ứng
với cuộc sống xã hội hiện tại và sau này.
Nhận xét
Đăng nhận xét