Những lợi ích của tri túc


http://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/53679
 Tri túc hiểu nôm na là biết đủ, không ham muốn quá đáng. Lão Tử bảo "tri túc bất nhục" và "tri chỉ bất đãi, khả dĩ trường cửu", nghĩa là biết đủ thì không có gì phải hổ thẹn, biết dừng lại đúng lúc thì tránh được nguy nan, nhờ đó mà trường cửu. Như vậy sống tri túc là cuộc sống có hạnh phúc. Người hạnh phúc là người hài lòng với những gì mình đang có. 


Thật vậy, như Nguyễn Trãi nhắn nhủ, đời bụi bặm hoài lăn lóc, muôn chung chín đỉnh có làm gì, hãy từ bỏ chốn người người tranh đua lợi lộc, hư danh mà thực họa ấy đi mà về với cuộc sống nơi có suối chảy rì rầm, có đá rêu phơi, ở một nơi thuần khiết như thế, dẫu chỉ nước lã cơm rau thì cuộc sống vẫn có nhiều niềm vui, miễn sao tri túc. Những người theo đạo Phật còn khuyên nhau, thiểu dục tri túc, và pháp “thiểu dục tri túc” là một pháp tu tập không thể thiếu đối với người tu hành nhằm ngăn chặn lòng ham muốn quá độ của chúng sanh (“Nhược dục thoát chư khổ não, đương quận tri túc; tri túc chi pháp, tức thị phú lạc, an ổn chi sư” – Kinh Phật. Tạm hiểu: muốn thoát mọi sự khổ não, cần phải suy niệm hai tiếng tri túc, do phương pháp tri túc ấy là giàu có, an lạc nhất, yên ổn nhất của con người).


Đúng là khi con người ta sống biết đủ thì tâm hồn thanh thản, không lo toan tính toán nhiều, ít phiền não. Nhưng con người đa phần không biết đủ vì hầu như ai cũng có lòng tham. Mà đã tham thì chẳng mấy khi được thỏa mãn. Có rồi lại muốn nữa, muốn nữa, mãi không thôi. Người nghèo không đủ ăn thì chỉ mong ngày ba bữa, áo mặc lành lặn, quả là thiếu thốn, tuy nhiên cái thèm khát ở họ chẳng thấm tháp gì với những cái còn thiếu của kẻ giàu có bạc tỉ rủng rỉnh, nhà cao cửa rộng... Và việc từ bỏ những cái tham ấy mới khó làm sao, khó hơn con lạc đà chui qua lỗ kim!
Xã hội đến ngày nay đã tích cóp được số lượng tài sản kể đã lớn, vậy đã đủ chưa?
Câu trả lời dứt khoát, chưa đủ! Chúng ta còn thiếu nhiều, thiếu nhiều lắm!

  

Thế thì phải chăng sống tri túc sẽ trở ngại đến sự phát triển của xã hội, loài người? Vì lúc nào cũng thấy đủ rồi thì chẳng cần phấn đấu, nỗ lực, cố gắng thêm chi nữa, nhọc công mệt xác!
Sống tri túc là một lối sống lành mạnh, mọi người nên sống mà biết đủ và biết điểm dừng. Các bậc tiền nhân dạy không sai. Nhưng đừng cực đoan cãi lại rằng đó là lối sống phẳng lặng, không đấu tranh, yếu đuối. Nguyễn Trãi ngày xưa vui vẻ bằng lòng với cuộc sống tương cà rau muống, nhưng vẫn đau đáu vận nước, có cơ hội là ngay lập tức dốc lòng giúp dân trợ nước, vui mừng khôn tả. Đấy mới là sống tri túc!
Sống tri túclà sống phải biết đủ, người biết đủ là người biết được quy luật của cuộc sống, những người nắm vững các quy luật của cuộc sống là những người có tự do đích thực, họ đã có được cuộc sống cực lạc giữa chốn trần thế. Và biết được các quy luật của cuộc sống thì hiển nhiên biết mình phải làm gì, không nên làm gì. Biết cái cần làm và biết cái không nên làm mà từ đó mà hành xử đúng đắn thì xã hội chẳng phải ổn định, ngày càng phát triển hay sao?!
Chỉ đơn giản là sống tri túc, chỉ đơn giản là biết được các quy luật của cuộc sống mà sống thôi, thế nhưng con người ta phần nhiều ... chưa làm được. Thế nên mới có chiến tranh loạn lạc, đói nghèo, và nhiều thứ khổ đau khác nữa.
Mời các bạn quan tâm đến đề tài tìm hiểu bài viết có cùng chủ đề “Những lợi ích của tri túc” tại đường link: http://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/53679




Nhận xét