Một số vấn đề lý luận về xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam



Xây dựng nhà nước pháp quyền đang trở thành một xu thế khách quan tất yếu đối với các quốc gia dân chủ trong thế giới hiện đại. Việt Nam cũng không nằm ngoài quỹ đạo chung đó. Tuy nhiên, xét về cả phương diện lý luận lẫn thực tiễn xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay vẫn còn rất nhiều vấn đề cần nghiên cứu và giải quyết.


Yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền lần đầu tiên được Đảng ta chính thức đưa vào văn kiện Đại hội VII của Đảng, trong đó nêu rõ: “Quốc hội cần hướng vào việc thực hiện hai yêu cầu cơ bản: Một là, xây dựng Nhà nước pháp quyền, Nhà nước có năng lực định ra một hệ thống luật pháp đồng bộ đáp ứng được yêu cầu mới của sự phát triển kinh tế - xã hội và quản lý mọi mặt xã hội văn minh, tiến bộ; hệ thống pháp luật đó là cơ sở bảo đảm cho đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được thực thi có hiệu quả, là một nhân tố trọng yếu làm cho các quan hệ xã hội của chúng ta trở nên lành mạnh hơn. Hai là, bảo đảm quyền lực và hiệu lực trên thực tế của Quốc hội, do Hiến pháp quy định”.
Từ Đại hội VII đến Đại hội VIII, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về nhà nước pháp quyền đã có bước phát triển. Nếu như ở Đại hội VII, Đảng ta mới chỉ xác định yêu cầu phải xây dựng nhà nước pháp quyền và mới chỉ định hình được rằng, đó là nhà nước có năng lực định ra một hệ thống luật pháp đồng bộ để quản lý mọi mặt đời sống xã hội, thì đến Đại hội VIII, Đảng ta lại xác định thêm tính “xã hội chủ nghĩa” cho nhà nước pháp quyền, tức là chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Ở đây, chúng ta thấy bước phát triển tư duy lý luận của Đảng về nhà nước pháp quyền là ở chỗ đã đề cao tính pháp chế, coi đó là đặc trưng cơ bản của nhà nước pháp quyền, đồng thời cũng coi trọng khía cạnh đạo đức như một thuộc tính của xã hội chủ nghĩa.


Tại Đại hội IX, Đảng ta tiếp tục chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và xác định bản chất của nhà nước, đó là của dân, do dân và vì dân. Đồng thời với chủ trương tăng cường pháp chế, các Nghị quyết của Đại hội IX cũng chủ trương mở rộng dân chủ - là cơ sở chính trị - xã hội của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Còn về cơ sở kinh tế - chính trị của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được Đảng ta dựa trên bản chất định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường.
Chủ trương xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã được Đảng ta khẳng định lại ở Đại hội X: “Xây dựng cơ chế vận hành của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng tính cụ thể, khả thi của các quy định trong văn bản pháp luật. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền”. Như vậy, ở đây chúng ta vẫn dễ dàng nhận thấy rằng, tính pháp chế là đặc trưng cơ bản của nhà nước pháp quyền và bản chất của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Về mặt tư duy lý luận, có lẽ điểm khác biệt của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam so với các nhà nước pháp quyền khác là ở cơ chế vận hành của nhà nước, bởi vì ở các nhà nước pháp quyền tư sản thì cơ chế vận hành phổ biến là “tam quyền phân lập”. Việc Đảng ta xây dựng cơ chế phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp để bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, chính là dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về nhà nước và pháp luật.


Chủ trương đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam với những đặc trưng đã nêu ở trên vẫn tiếp tục được khẳng định tại Đại hội XI của Đảng, trong đó Đảng ta đặc biệt chú ý đến việc “nâng cao năng lực quản lý và điều hành của Nhà nước theo pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa và kỷ luật, kỷ cương”.
Qua quá trình đổi mới và phát triển nhận thức lý luận của Đảng ta về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, có thể thấy:
Một là, Đảng đã chỉ rõ tính tất yếu khách quan của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và coi đó là yêu cầu, nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước.
Hai là, nhận diện được hình hài của nhà nước pháp quyền: là phương thức tổ chức dân chủ quyền lực nhà nước mà theo đó pháp luật là cơ sở cho việc thực hiện quyền lực cũng như thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mọi chủ thể trong xã hội.
Ba là, nhất quán chỉ rõ bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân.
Bốn là, nhận rõ đặc trưng cơ bản của nhà nước pháp quyền là tính pháp chế, khẳng định vai trò, vị trí của pháp luật trong quản lý nhà nước và xã hội, tính tối cao của Hiến pháp trong đời sống xã hội.
Năm là, xác định được cơ chế vận hành của các cơ quan quyền lực nhà nước: quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Sáu là, thấy rõ yêu cầu mở rộng dân chủ đồng thời với việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương, giáo dục đạo đức trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Bảy là, khẳng định nguyên tắc bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Điều đó không chỉ mang tính nguyên tắc được khẳng định từ lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mà còn là kết luận chắc chắn được rút ra từ thực tiễn cách mạng Việt Nam từ khi Đảng ra đời đến nay. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhằm bảo đảm cho nhà nước mang bản chất của giai cấp công nhân, thực sự là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Sự lãnh đạo của Đảng tạo điều kiện phối hợp và phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, giúp nhà nước hoàn thành mọi nhiệm vụ của mình và giữ vững tính chất xã hội chủ nghĩa của nhà nước pháp quyền.
Một số vấn đề đặt ra hiện nay
Bên cạnh những kết quả đã đạt được về mặt lý luận, thực tiễn xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong những năm đổi mới đã bộc lộ không ít những vấn đề cần phải giải quyết cả về lý luận lẫn thực tiễn.
Về phương diện lý luận, cần giải quyết một số vấn đề sau:
Một là, cần xác định rõ những đặc trưng xã hội chủ nghĩa của nhà nước pháp quyền mà chúng ta đang xây dựng. Một số ý kiến cho rằng, nếu chỉ dựa trên cơ sở tính pháp chế và dân chủ thì bất cứ nhà nước pháp quyền nào cũng như vậy. Còn nói đến cơ sở kinh tế của nhà nước pháp quyền của chúng ta là ở tính định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường thì vẫn chưa rõ và có phần khiên cưỡng, thiếu sức thuyết phục. Trong khi chính tính định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường cũng chưa được được làm rõ về mặt lý luận, thì có nên chăng lấy điều đó để lý giải cho một vấn đề chưa rõ khác? Hơn nữa, khi nền kinh tế - tức cơ sở hạ tầng mới chỉ là định hướng xã hội chủ nghĩa, thì nhà nước - tức kiến trúc thượng tầng có thể gọi là xã hội chủ nghĩa được không hay cũng chỉ mang tính định hướng xã hội chủ nghĩa? Đó là vấn đề đặt ra cần được lý giải một cách khoa học. Chính vì trong lịch sử chưa từng có một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đích thực, cho nên trong lý luận về nhà nước pháp quyền vẫn còn một mảng trống mà chúng ta cần bổ sung và phát triển.
Hai là, cần làm rõ cơ chế phân công, phối hợp giữa các cơ quan quyền lực nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Cần làm sáng tỏ “tính độc lập tương đối” của mỗi quyền, sự chế ước lẫn nhau giữa các nhánh quyền lực, bảo đảm quyền lực không bị tha hóa và bị lạm dụng. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tránh chồng chéo cũng như tránh lạm quyền trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Ba là, làm sáng tỏ hơn nữa mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước. Vấn đề đặt ra là chỉ ra được phạm vi tác động của Đảng cầm quyền đối với các cơ quan quyền lực nhà nước, chỉ rõ sự tối cao của pháp luật, tránh sự can thiệp tùy tiện của Đảng đối với hoạt động của các cơ quan quyền lực nhà nước, tránh sự bao biện, ôm đồm, không tôn trọng luật pháp.
Bốn là, làm rõ cơ chế bảo đảm quyền kiểm tra, giám sát của nhân dân, của Mặt trận, của các đoàn thể chính trị - xã hội đối với hoạt động của Nhà nước. Sở dĩ vấn đề này được đặt ra là vì, mọi quyền hành chỉ thuộc về nhân dân khi có một cơ chế thích hợp để nhân dân có thể trực tiếp giám sát các hoạt động của Quốc hội và đại biểu Quốc hội, của hội đồng nhân dân và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, cũng như giám sát mọi hoạt động của các cơ quan nhà nước và công chức nhà nước. Phải có cơ chế thích hợp để cử tri có thể bày tỏ sự tín nhiệm hay bất tín nhiệm của mình đối với các đại biểu mà mình bầu ra, tạo điều kiện để các đại biểu gắn bó hơn với cử tri, đề cao ý thức trách nhiệm của người đại diện nhân dân.
Năm là, đổi mới tư duy pháp lý trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của nước ta. Mặc dầu trong gần 30 năm đổi mới toàn diện của đất nước, chúng ta đã có nhiều đổi mới trong lĩnh vực lập pháp, song hệ thống luật pháp của chúng ta cho đến nay vẫn tỏ ra chưa theo kịp thực tiễn và còn nhiều bất cập. Do vậy, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, yêu cầu đổi mới tư duy pháp lý lại được đặt ra một cách cấp thiết hơn, nhằm xây dựng hệ thống luật pháp của Việt Nam một cách hoàn chỉnh và ổn định hơn, làm cơ sở cho Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đổi mới tư duy pháp lý cần hướng đến giải quyết những nhiệm vụ như xác định mô hình luật pháp của nước ta; nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm trong và ngoài nước trong lĩnh vực xây dựng và thực thi các thể chế pháp lý, để tiếp thu có chọn lọc các giá trị và kinh nghiệm trong lĩnh vực này; đổi mới công tác kế hoạch lập pháp; thay đổi quan niệm về quy mô các đạo luật, nên tập trung xây dựng và thông qua các đạo luật có quy mô điều chỉnh hẹp. Một đạo luật với ít các điều khoản sẽ được nhanh chóng xây dựng, đáp ứng kịp thời các nhu cầu điều chỉnh pháp luật, dễ dàng tương thích với các không gian pháp lý quốc tế. Tính hữu ích của một đạo luật ít điều khoản không chỉ được thể hiện ở sự gọn nhẹ về nội dung, dễ xây dựng, mà còn thể hiện ở việc dễ kiểm soát tính đồng bộ và thống nhất, dễ sửa đổi khi có nhu cầu và dễ áp dụng trên thực tế.

Nhận xét