Biến đổi nhà cửa của người Thái Đen ở xã Bình Sơn từ khi đổi mới đến nay



Giới thiệu luận văn “ Biến đổi nhà cửa của người Thái Đen ở xã Bình Sơn từ khi đổi mới đến nay
Tác giả: Vũ Thị Diệu


Luận văn bao gồm các nội dung
Chương 1: Khái quát về địa bàn và tộc người nghiên cứu.
Tìm hiểu về điều kiện tự nhiên (đất đai, khí hậu, sông ngòi, động thực vật), địa bàn nơi người Thái cư trú sinh sống; dân cư và sự phân bố dân cư; các hoạt động kinh tế; Các nét đặc trưng văn hóa xã hội của người Thái Đen ở khu vực này.
Chương 2: Những đặc trưng của nhà ở truyền thống.


Nhà sàn là loại hình cư trú truyền thống của người Thái nói chung và người Thái Đen nói riêng. Nhà sàn của người Thái Đen ở xã Bình Sơn được phân làm hai loại: nhà sàn cột chôn và nhà sàn cột kê. Qúa trình dựng ngôi nhà sàn trải qua nhiều bước: từ chuẩn bị vật liệu làm nhà đến đục đẽo, cất dựng. Quy trình dựng nhà có sự khác nhau giữa loại hình nhà cột chôn và nhà cột kê. Ngôi nhà truyền thống của người Thái thường dựng 3- 5 gian, mỗi một gian có tên gọi, chức năng khác nhau. Việc phân chia không gian như vậy có ý nghĩa xã hội nhất định, gắn với những quy định, quy tắc ứng xử của cộng đồng tộc người đối với không gian sinh hoạt chung của gia đình. Cách bố trí mặt bằng sinh hoạt gắn với tập quán, quan niệm khá độc đáo. Trong ngôi nhà của người Thái có khá nhiều kiêng kị vẫn đang tồn tại trong đời sống gia đình, cộng đồng. Qúa trình làm nhà cũng gắn liền với các nghi lễ: chọn đất, chọn hướng, chọn ngày giờ để dựng nhà và lễ cúng thần đất, lễ dựng đòn nóc, lễ lên nhà mới.


Chương 3: Biến đổi nhà ở và các yếu tố tác động dẫn đến sự biến đổi.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhà ở của người Thái đang có xu hướng chuyển từ nhà sàn sang loại hình nhà xây (nhà trệt) với nhiều loại hình (nhà ngói, nhà xây mái lợp tôn, nhà tầng, nhà mái bằng, nhà tranh tre nứa lá..). Đến nay, trong các thôn/ bản của người Thái Đen ở xã Bình Sơn không còn một ngôi nhà sàn nào được sử dụng với tư cách là nhà ở; tất cả họ đã chuyển sang làm nhà trệt theo kiểu nhà của người Kinh. Từ đó, kéo theo sự biến đổi về nguyên vật liệu làm nhà, kĩ thuật xây dựng, nhóm thợ, công cụ liên quan đến đo lường, xây dựng nhà ở. Bên cạnh của sự biến đổi nhà cửa, người Thái Đen ở xã Bình Sơn cũng đã tiếp nhận những yếu tố mới trong nếp sống, sinh hoạt, phong tục tập quán liên quan đến ngôi nhà. Sự biến đổi này  do chịu tác động và ảnh hưởng của nhiều yếu tố; trong đó yếu tố môi trường, kinh tế, thể chế, chính sách, sự thay đổi nhận thức của tộc người… là chủ yếu.

Nhận xét